Rừng nguyên sinh không có nghĩa là rừng toàn đại thụ mà là rừng giàu nguồn gene động, thực vật.

Rừng nguyên sinh có hệ sinh thái thực vật, động vật với những côn trùng, rêu tảo phong phú, được hình thành từ hàng trăm, ngàn năm, tạo nên sự cân bằng sinh thái cho cả vùng khí hậu mà thông thường không phải ai cũng cảm nhận được. Vì thế, nếu ở đâu đó trên trái đất này, rằng nguyên sinh bị xâm hại, bị phá đi sẽ là mất sạch. Mất nguồn gene đó là mất cân bằng sinh thái sẽ gây nên bao nhiêu hệ lụy sau đó.

Một người bạn tôi nói rất đúng: “Rừng nguyên sinh có cây to, cây nhỏ, rễ chùm rễ cọc, có chim chóc, muông thú, có thần linh, ma quỷ. Khi mưa xuống hệ thống rễ cây thấm hút hết 90% còn 10% ra suối ra sông. Còn rừng keo, rừng cao su, cà phê thì khác hẳn…”

Một kĩ sư lâm nghiệp bảo tôi: “Rừng nguyên sinh của người ta có 5 tầng, mới giữ được nước, giữ được đất! Rừng trồng được mấy tầng”???

Ngẫm ngợi cuối tuần: Rừng nguyên sinh - Ảnh 1.

Vậy mà có ai đó nói phá đi sẽ trồng chỗ khác, trả lại rừng nguyên sinh! Thật hài hước hết chỗ nói. Chả nhẽ người ta lại nghĩ rừng nguyên sinh chỉ là tán lá rừng nên mới nói khơi khơi như vậy. Trồng rừng, trả lại được màu xanh nhưng làm sao trả lại được nguồn gene quý, thể hiện sự đa dạng sinh học, được thử thách, chọn lọc tự nhiên sau hàng trăm, nghìn năm biến đổi của khí hậu?

***

Tôi nhớ đến khu rừng già xưa ở quê tôi. Dây cóc mọc đầy dưới tán lá, mà hồi đó người ta thường lấy về làm thiếu cày (dây nối vai cày – đặt trên cổ trâu – vào thân cày để trâu kéo đi) vì nó chịu được nước. Song mây thì mọc rải rác nhưng thường rậm rịt ven các khe lạch. Những khoảng rừng thoáng hay có những bãi dâu đất, mua đất như những tấm thảm xanh rờn chen lẫn cỏ rác. Mùa Hè, quả chín dầy như ngô vãi. Quả dâu, quả mua nhỏ nhưng đều ngọt lịm.

Bài viết liên quan đến Ngẫm ngợi cuối tuần

Bước vào rừng và ngước lên, ta sẽ thấy các loại cây thân gỗ với nhiều loại như xoan đào, kháo, sồi, giẻ, phách, muồng, dổi. Hiếm như cây sui mà thi thoảng vẫn gặp. Gỗ tạp thì nhiều như thừng mực, bông bạc, bồ đề, láng dù… Đặc biệt giống dổi có 5 loại, nhưng chỉ một loại cho hạt gia vị. Cây ăn quả có khế chua, tai chua, bứa, dọc, hồng phác, dâu da, thiều rừng, quýt hôi. Bưởi mít mọc hoang dã cũng có nhưng quả kém chất lượng…

Ở đâu đó trên trái đất này, nếu rừng nguyên sinh nếu tiếp tục bị xâm hại, bị khai thác bừa bãi thì thật nguy. Tôi bỗng nghĩ, “khai” có nghĩa là mở mang, “thác” là chết. “Khai thác” vì thế có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Nếu chỉ biết bòn mót, gặm nhấm thì tất yếu sẽ dẫn đến tai họa. Tai họa đó có thể nhãn tiền, cũng có thể sẽ nhiều năm sau.

Kinh nghiệm cho thấy thiên nhiên, bà mẹ vĩ đại của con người, sẽ không cứu nổi môi trường khi thương tật đầy mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *