Vào thời điểm Lassana Diarra chấm dứt sự nghiệp của mình với tư cách là một cầu thủ, vào ngày 20/10/2018, anh đã được gán liền với hai từ “nếu như”.
Nếu anh ở lại Arsenal hơn một mùa giải thì sao? Nếu anh không đưa ra quyết định sai lầm là rời Real Madrid để chuyển đến Anzhi Makhachkala thì sao? Nếu anh không đưa ra quyết định thảm khốc hơn là chuyển đến Lokomotiv Moskva thì sao?
Diarra được định sẵn sẽ chỉ là một chú thích trong lịch sử của một số CLB danh tiếng, một loạt câu hỏi chưa có lời giải đáp, một điều gì đó bí ẩn.
Vụ kiện với Lokomotiv
Sau đó, anh có một vụ kiện lịch sử với Lokomotiv, sẽ được phán quyết vào ngày mai, qua đó đặt dấu chấm hết cho một câu chuyện đã kéo dài suốt một thập kỷ. Lần này, Diarra quyết định đấu với FIFA và nếu cựu sao này thắng, vụ việc có thể thay đổi hoàn toàn thị trường chuyển nhượng hiện tại.
Có khả năng đây là cách mà người ta sẽ nhớ đến cựu sao người Pháp – người từng vô địch Cúp FA 2 lần, vô địch Ligue 1 và La Liga – trên tư cách là người sẽ phá vỡ hệ thống chuyển nhượng. Luật sư của anh, Jean-Louis Dupont nghĩ vậy. Ông cũng chính là người từng đại diện cho Jean-Marc Bosman trong chiến thắng mang tính bước ngoặt trước UEFA gần 30 năm trước.
Mọi chuyện bắt đầu vào mùa Hè năm 2014. Diarra đã có một khởi đầu tuyệt vời cho Lokomotiv, nhưng rồi lại sa sút sau kỳ nghỉ Đông với lý do phong độ và kỷ luật kém. Lokomotiv tin rằng đây là những nguyên nhân chính để giảm lương của Diarra, nhưng anh không chấp nhận. Mối quan hệ giữa hai bên xấu đi đến mức Diarra đã bỏ tập nhiều lần. Điều này khiến Lokomotiv phải chấm dứt hợp đồng vẫn còn 3 năm của anh vào tháng 8/2014 và kiện anh vì vi phạm hợp đồng.
Họ đã đưa vấn đề này lên FIFA, trong khi Diarra nộp đơn lên Tòa trọng tài thể thao Quốc tế. Kết quả là Diarra thua kiện, bị cấm thi đấu và bị bắt nộp khoản tiền 10,5 triệu euro kèm lãi để bồi thường chi phí chuyển nhượng mà Lokomotiv từng bỏ ra để đưa anh về.
Sau vụ việc đó, Diarra không được nhiều CLB theo đuổi. Chỉ có duy nhất Charleroi đã đưa ra đề nghị với anh nhưng phải có giấy chứng nhận chuyển nhượng quốc tế (ITC) vì các tranh cãi pháp lý. Khi không có được sự đảm bảo đó, Charleroi đã rút khỏi thỏa thuận.
Theo quan điểm của Diarra, nhóm luật sư của Dupont, công đoàn cầu thủ Pháp, UNFP và Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Thế giới (FIFPRO), việc FIFA không cấp cho anh giấy tờ trên chính là hành vi hạn chế thương mại và vi phạm luật lao động châu Âu. Diarra đã đưa vụ việc ra Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (CJEU) và câu hỏi hiện tại dành cho tổ chức này là việc FIFA từ chối cấp ITC có hợp pháp hay không.
Bóng đá sẽ lại thay đổi?
Vì các quy định của ITC là nền tảng cho cách thức hoạt động của hệ thống chuyển nhượng hiện nay, nếu CJEU phán quyết có lợi cho Diarra, FIFA sẽ phải đại tu toàn bộ quy trình bấy lâu.
Theo luật sư Maciej Szpunar, người theo dõi vụ này: “Có những mặt hạn chế trong các quy định của FIFA về tình trạng chuyển nhượng cầu thủ. Hậu quả của việc một cầu thủ bị chấm dứt hợp đồng mà không có lý do chính đáng là rất khắc nghiệt, đến mức họ không thể chuyển sang nơi khác. Các điều khoản tranh chấp đang có tính răn đe cao và khiến mỗi cầu thủ lạnh sống lưng”.
Như các quyết định gần đây khác của CJEU đã chỉ ra, đặc biệt là trong vụ kiện UEFA và Super League, luật pháp châu Âu cho phép các cơ quan quản lý thể thao can thiệp theo quy định nhằm hạn chế sự cạnh tranh và sẽ bị coi là bất hợp pháp nếu có vấn đề gì nằm ngoài lợi ích thể thao. Điều quan trọng là FIFA có thể cung cấp bằng chứng chứng minh rằng họ không theo đuổi lợi ích của riêng họ. Nếu FIFA không chứng minh được điều này, Dupont có thể đứng lên tuyên bố rằng chúng ta sắp bước vào thời đại “Bosman 2.0”.
Vụ kiện của Diarra có thể không chỉ dừng lại ở một cuộc tranh chấp cá nhân mà còn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử bóng đá. Điều này giải thích tại sao viễn cảnh về phán quyết ngày mai lại được nhìn nhận với sự lo lắng ở một số nơi, đặc biệt là FIFA, những người có khả năng sẽ mất đi quyền lực trên thị trường chuyển nhượng.
Trung Phạm