Site icon TA88

Hậu chuyện nữ VĐV billiards dự giải thế giới bị ‘bỏ rơi’: Thể thao nữ và ‘cơ chế đặc thù’

Thể thao nữ và “cơ chế đặc thù” - Ảnh 1.

Câu chuyện không vui liên quan đến cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi, người vừa đoạt HCĐ carom 3 băng thế giới, vừa cho thấy tiềm năng ở các nữ VĐV Việt Nam nhưng đồng thời cũng bộc lộ sự bất cập về tầm nhìn của thể thao đỉnh cao, đặc biệt ở những môn dành cho nữ.

Bạn có biết điểm gì chung của chiếc HCV đầu tiên của Việt Nam tại SEA Games, huy chương đầu tiên ở Olympic hay những nhà vô địch thế giới đầu tiên: Họ là những VĐV nữ. Không chỉ là những người tiên phong, các nữ VĐV của chúng ta còn là những người thay đổi lịch sử. Có thể kể đến chiếc HCV đầu tiên ở môn bóng đá tại SEA Games hay kỳ tích dự World Cup của đội tuyển nữ; đội tuyển bóng chuyền nữ dự play-off tranh vé World Cup …

Chưa dừng lại ở đó. Các nữ VĐV của chúng ta còn làm được những điều khó tin. Nữ chủ công Trần Thị Thanh Thúy vừa có những trận đấu ra mắt đầu tiên tại CLB Kuzeyboru của Thổ Nhĩ Kỳ. Cô là VĐV bóng chuyền đầu tiên chơi bóng tại châu Âu và với việc Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số các quốc gia mạnh về bóng chuyền, Trần Thị Thanh Thúy nối tiếp những gì mà Huỳnh Như (bóng đá) hay Nguyễn Thị Thật (xe đạp) đã làm trước đó ở các CLB chuyên nghiệp châu Âu. Họ đơn thân ra nước ngoài thi đấu theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp và “trụ” lại thành công ở môi trường mà các VĐV nam gần như không thể.

Nghĩa là VĐV nữ của Việt Nam lại xuất ngoại thành công hơn các đồng nghiệp nam. Ví dụ như môn bóng đá, có đến 5 lần cầu thủ Việt sang châu Âu chơi bóng nhưng người nhiều lắm cũng chỉ gần 1 năm là quay về và không thể hiện được gì kể cả khi chỉ khoác áo các đội bóng trung bình của Pháp, Bỉ hay Bồ Đào Nha, Hà Lan. Cho đến nay, chỉ có một VĐV nam từng “xuất ngoại” thành công có là trường hợp của Nguyễn Tiến Minh với những chuyến du đấu trong hệ thống Pro Series ở môn cầu lông.

Điều này cho thấy thể thao Việt Nam có một “lợi thế” khó tin ở thể thao nữ. Việc họ có thành tích đột phá hoặc ngang bằng với VĐV nam đã là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng tuyệt vời hơn là các cô gái của chúng ta “tấn công” được vào những môn chơi có tính phổ biến cao trên thế giới hoặc các môn nhà nghề.

Ví dụ như những chức vô địch châu Á ở điền kinh (Bùi Thị Nhung, Qúach Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền …), chèo thuyền rowing, bơi lội (Nguyễn Thị Ánh Viên), Ultra Marathon (Trần Thanh Vĩ), bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, xe đạp, billiards…

Nói cách khác, ngoài các yếu tố mang tính nội tại như nghị lực, năng khiếu, thì TTVN có lợi thế ở thể thao nữ. Điều này đến nhờ 2 yếu tố: Thứ nhất là dù có nhiều bất lợi so với đồng nghiệp nam (ở đâu cũng vậy) nhưng tại Việt Nam, thể thao dành cho nữ giới vẫn có được sự quan tâm đến từ Nhà nước, khuyến khích các cô gái chơi thể thao. Thứ hai, thể thao nữ không phát triển rộng rãi trên toàn thế giới vì nhiều lý do khác nhau.

Nghĩa là dù cùng có một đam mê chơi thể thao như nhau, nhưng con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp dành cho VĐV nữ tại Việt Nam vẫn thông thoáng hơn nhiều. Sự phát triển không đồng đều của thể thao nữ cũng khiến cho nguồn cung VĐV nữ cho thể thao chuyên nghiệp rất ít so với nam. Đó là cơ hội cho VĐV nữ của Việt Nam. Tiêu biểu như trường hợp của Huỳnh Như và Quang Hải trong môn bóng đá khi cùng sang châu Âu nhưng khác nhau về cơ hội nghề nghiệp.

Nhưng có ưu thế là một chuyện, cách chúng ta tiếp cận với thế giới lại cần cách làm khác. Hay đúng hơn, là thể thao nữ của Việt Nam nên có tầm nhìn riêng để khai thác được khả năng chơi thể thao chuyên nghiệp của các cô gái.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ