Tiếp sau 8 buổi “rì rầm” về “Tạo sáng Đông Sơn”, tôi muốn cùng các độc giả
1. “Thưởng hương” là một kỹ năng của con người. Nó biến đổi rất mạnh theo thời gian và vùng miền, mang cả đặc tính tộc người nữa. Khi tôi khai quật các hang động văn hóa Hòa Bình, tôi thường nhận được nhiều câu hỏi tương tự của khách đến tham quan – trong đó thậm chí có cả các nhà khoa học. Rằng: Người xưa ăn ốc đổ vỏ ngay trong hang, vậy làm sao họ có thể sống cùng mùi hôi của đống vỏ ốc với những phần ốc thối còn lại trong đó nhỉ?
Quả là một sự so sánh đầy ấn tượng khi mỗi người hiện đại chúng ta đi qua và khó chịu với mùi hôi nồng nặc bay ra từ một đống rác chứa những tàn tích vỏ thừa của ốc. Nhưng với tôi thì điều đó không quá ngạc nhiên, khi chính tôi và khá nhiều người trong chúng ta đã từng ăn ngủ trên những nếp nhà sàn kiểu cũ với mùi của trâu bò, lợn gà từ dưới sàn bốc lên.
Cũng như, nhiều người nước ngoài và cả người Việt Nam đang ở nước ngoài rất ngại bị ngấm mùi rán nem chả hay thức ăn vào quần áo, trong khi vào bữa ăn lại vẫn xuýt xoa khen mùi mắm, chanh, ớt sao mà “thơm” thế (thậm chí đôi khi là cả mắm tôm).
Chính môi trường và thói quen sinh hoạt trong môi trường đó sẽ tạo ra những loại hình khứu giác đặc trưng mà đôi khi rất không quen với người khác. Ví dụ, mùi khét ám khói do luôn dùng bếp lửa trong nhà rất dễ yêu và gây nhớ với người miền núi. Trái lại mùi tanh của cá biển, nhuyễn thể (điệp, hàu, ốc…), “cái mùi nồng mặn” ấy rất quyến rũ với dân thuyền chài…
Hương vị Đông Sơn cũng tuân theo quy luật chung đó, có cả thói quen nghiền mùi khói cây cành pơ mu, bạch đàn, thông đỏ như trong các nếp nhà Mông ngấm đượm trong các hàng vải lanh, thổ cẩm chợ tình. Hoặc cũng có cả hương vị tanh nồng gây nhớ của cá, ngán, ngao, cua ghẹ, hầu, hà, sò, ốc biển… Vì những thứ đó được khắc hình đúc lại trên nhiều đồ đồng Đông Sơn đương thời.
Tuy nhiên, sẽ đến một thời điểm, bên cạnh những khác biệt mang tính truyền thống khu vực, tộc người, điển hình như khẩu vị thích thức ăn để “quá date” như đậu phụ thối, pho mát chua, mắm chượp…, loài người cũng tiến đến định hình những mùi vị ưa thích chung bằng cách chọn lựa và chấp nhận những hương vị phù hợp từ thiên nhiên. Ví dụ hương ngâu, hương hoa lan, hoa nhài, hương hoa hồng, hoa huệ, hương trầm, hương quế, kỳ nam… và cả một số hương xạ từ động vật. Mặc dầu vẫn không loại trừ những khác biệt như ngay trong cộng đồng người Việt với mùi “hoa sữa Hà Nội” chẳng hạn.
Xã hội Đông Sơn cũng đã bước đến sự định hình đó. Và khi đã bước vào ngưỡng cửa phân tầng xã hội với sự hiện diện của đời sống qúy tộc, thượng lưu thể hiện trên mọi lĩnh vực đời sống thì sự định hình đó càng rõ nét. Vì thế, việc tạo ra những hương thơm đặc biệt cũng đã để lại những chứng tích khảo cổ rất sinh động, đó là các bộ lò và đèn đốt vật tạo thơm, như cách chúng ta đốt trầm, thưởng quế ngày nay vậy.
2. Để làm rõ vấn đề mang tính lý thuyết này, tôi xin kể về một câu chuyện khoa học dõi tìm về hương vị quả”mắc khén” mà chính tôi đã theo đuổi suốt hơn ba chục năm ròng.
Năm 1986, tôi từ Berlin (Đức) về Việt Nam để khai quật lấy mẫu than hạt quả để định tuổi C14 từ trầm tích hang động văn hóa Hòa Bình ở các hang Xóm Trại, Làng Vành, Hang Muối (Hòa Bình), Sũng Sàm (Hà Nội) và Con Moong (Thanh Hóa). Cùng đồng hành với tôi khi đó có các nhà khảo cổ, sinh vật học như Đào Thế Tuấn, Ngô Thế Phong, Vũ Thế Long, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Kim Dung, Đoàn Đức Thành…
Tại hang Con Moong, ở tầng dưới cùng (ký hiệu 87CM-B5), chúng tôi sàng được khoảng 50 hạt tròn nhỏ đường kính 3-5mm, đã cháy thành than và héo khô trên diện tích 1m2 dày 20cm. Tôi đã chuyển các hạt đó đến giáo sư Nguyễn Nghĩa Thìn (Khoa Sinh vật, Đại học Tổng hợp Hà Nội khi đó, nay thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), giáo sư Douglas Yen (Đại học Quốc gia Úc, Canberra) trong những năm sau đó, nhưng đều chưa xác nhận được đó là hạt gì.
Cho đến một ngày rất ngẫu nhiên của năm 2012, khi tôi lập một đoàn nghiên cứu tập tục văn hóa của người Cơ Tu ở Quảng Nam, trong một bữa ăn với các già làng trong bản, tôi được anh trưởng bản cho xem một vốc “hạt tiêu” mà anh mới hái được trên rừng về – được coi như hàng hiếm qúy của dân bản Cơ Tu khi đó. Hóa ra đây chính là những hạt mà tôi đã khai quật ở tầng B5 Con Moong năm 1987 đang mất công tra cứu.
Nhìn các già làng truyền tay nâng niu nhấm nháp từng hạt mới cảm nhận sự trân qúy của họ đối với loại “hạt tiêu Cơ Tu” này. Theo lời kể, phải những chàng trai rất thạo đi rừng mới có thể phát hiện cây có hạt này và đủ sức trèo lên thu hái.
Tôi là trưởng đoàn, coi như khách quý, được trưởng bản trân trọng cho hẳn một nhánh chừng gần chục hạt như vậy. Nhấm trong miệng tôi nhận ra vị cay nhẹ và thơm nồng của mùi hương xả trên các tàu hỏa ở châu Âu. Tôi gói kỹ và mang về Hà Nội tra cứu, rồi gửi mẫu sang tư vấn một giáo sư bạn tôi là chuyên gia khảo cổ thực vật ở Viện Nara (Nhật Bản). Chúng tôi đều nhất trí xác nhận đó là Thục tiêu hay Xuyên tiêu -mắc khén ở Tây Bắc Việt Nam, Tây Nam Trung Quốc…tên khoa học là Xanthoxylum armatum DC.
Cuối năm đó (2012), tôi sang Vân Nam (Trung Quốc) tham gia khai quật khu mộ văn hóa Điền và đã đi thăm các chợ phiên trong các vùng nông thôn, miền núi Vân Nam. Tôi nhận ra đây là một thứ gia vị tuy đắt nhưng khá dễ kiếm.
Lần tìm trong sử sách thì “Thục tiêu” hay “Xuyên tiêu” là một đặc sản của quý tộc nước Thục cổ từ 500 năm trước Công nguyên. Vì gốc các quý tộc Thục ở Tứ Xuyên nên mọi thứ liên quan đều hay dùng chữ “Xuyên” đề ghi nhận. “Thục tiêu” vì thế còn có tên là “Xuyên tiêu” phân biệt rõ với “Hồ tiêu” (gia vị của người “rợ” Hồ, đến từ phía Tây và phía Bắc). Ngoài việc dùng làm gia vị, thuốc đông y, Xuyên tiêu hay Thục tiêu còn được ưa chuộng dùng làm hương vị tạo thơm có thể xua đuổi côn trùng trong các không gian nội thất, tàu thuyền…
Một điều rất thú vị liên quan đến nội dung buổi “rì rầm” hôm nay (Tạo hương Đông Sơn) là việc các vua chúa, hoàng đế Trung Hoa xưa đã từng ưa chuộng kỹ thuật trộn bột “Xuyên tiêu” vào vữa hồ để trát bên trong các phòng ngủ của hoàng tộc, vừa tạo mùi thơm vừa chống côn trùng, ruồi muỗi. Từ đó xuất hiện rất sớm thuật từ “tiêu phòng” – phòng dành riêng cho vua ăn ngủ với hoàng hậu hay các phi tần, cung nữ. Đó cũng là điều tại sao khi nhấm hạt tiêu Cơ Tu đầu tiên tôi đã nhận ra mùi hương trên các tàu hỏa, máy bay ở nhiều nước trên thế giới.
Vậy phải chăng lịch sử dùng thực vật tạo hương ở ta đã có thể có từ 13 ngàn năm trước, với bằng chứng các hạt mắc khén được đốt cháy trong tầng B5 cuộc khai quật Con Moong năm 1987?
(Còn nữa)